SỞ Y TẾ KHÁNH HÒA
BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NINH HÒA
VIÊM KẾT MẠC CẤP
(Kèm theo quyết định số 327 /QĐ-BVNH ngày 15 tháng 7 năm 2022)
I. NHỮNG DẤU HIỆU CHÍNH CỦA BỆNH VIÊM KẾT MẠC
- Khởi phát đột ngột có thể rõ hoặc không rõ tiếp xúc với nguồn lây.
- Đỏ mắt: có thể ở một mắt hoặc cả hai mắt.
- Có ghèn: có thể ít hoặc nhiều.
- Không bị đau nhức mắt, nhưng có cảm giác bị xốn cộm.
- Không bị giảm thị lực, nhưng có thể bị nhìn vướng (do ghèn hoặc phù mi).
- Đôi khi có sốt, kèm theo viêm họng.
II. CÁCH CHĂM SÓC KHI NẰM VIỆN
- Rửa tay trước và sau khi chạm vào mắt hay mặt.
- Rửa sạch mắt, ghèn bằng nước ấm hoăc nước muối sinh lý, nhiều lần trong ngày.
- Đắp khăn ấm lên mắt bị bệnh (giúp tăng cường khả năng chống viêm của mắt).
- Không được tự ý dùng thuốc nhỏ mắt khi chưa có ý kiến của thầy thuốc, nhất là các loại có chất Corticoid như Dexacol, Polydexa, Polyxacol... vì có thể sẽ gây nguy hiểm cho mắt, thậm chí có thể gây mù mắt.
III. CÁCH PHÒNG BỆNH
* Trong các đợt dịch: Không có biện pháp phòng bệnh hữu hiệu bằng thuốc và cũng chưa có vaccin. Tốt nhất là hạn chế khả năng tiếp xúc với nguồn lây. Có nhiều trường hợp không bị bệnh là nhờ vào sức đề kháng của cơ thể.
- Khi có người bị đỏ mắt, nên
+ Cách ly người bệnh như cho các cháu nhỏ, học sinh nên nghỉ học tạm thời; hạn chế tiếp xúc với người khác…
+ Trong sinh hoạt hằng ngày, phải dùng khăn riêng, rửa sạch tay nhiều lần; không nên dùng chung thuốc nhỏ mắt, vật dụng sinh hoạt…
+ Khi bị đỏ mắt: nên đi khám mắt để được hướng dẫn biện pháp điều trị và phòng ngừa đúng cách, không nên tự ý dùng thuốc để tránh các nguy hại cho mắt ./.
TÀI LỆU THAM KHẢO
Bài giảng bệnh lý mắt – trường ĐHYD Huế 2012