Theo Thông tư số 02/2017/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 1.6.2017 các cơ sở y tế công lập sẽ chính thức áp dụng giá viện phí mới cho hơn 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng người bệnh không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT. Một trong những vấn đề đặt ra là, với việc tăng giá này thì đối tượng nào sẽ chịu tác động mạnh nhất?
Thông tư quy định, có 3 nhóm dịch vụ dành cho người chưa có thẻ BHYT được điều chỉnh khung giá tối đa. Bao gồm: Giá dịch vụ khám bệnh; giá dịch vụ ngày giường điều trị; giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện. Theo đó, trong 3 nhóm dịch vụ, có hai nhóm dịch vụ khám bệnh và dịch vụ ngày giường điều trị đều có mức tăng giá rất mạnh, cao gấp 2- 4 lần so với hiện tại. Cụ thể, tiền khám bệnh đã tăng gấp 4 lần ở phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã; tăng 2 lần ở bệnh viện hạng 1 và hạng 2. Theo quy định mới, tiền khám tối đa ở bệnh viện hạng đặc biệt và bệnh viện hạng 1 là 39.000 đồng/lượt; hạng 2 là 35.000 đồng/lượt; hạng 3 là 31.000 đồng/lượt và bệnh viện hạng 4 (phòng khám đa khoa khu vực, trạm y tế xã) là 29.000 đồng/lượt. Tiền ngày giường bệnh một ngày nằm điều trị đối với bệnh viện hạng 2 (Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa) từ 152.500đ (giường nội khoa thường) đến 568.900đ (giường chăm sóc đặc biệt: ICU) tùy theo từng khoa phòng của bệnh viện. Giá của một số phẫu thuật cũng tăng đáng kể như: phẫu thuật lấy thai (mổ đẻ) có giá 2.773.000đ, phẫu thuật ruột thừa viêm 2.460.000đ, phẫu thuật kết hợp xương 3.609.000đ, …
Có thể thấy, với mức tăng giá chí phí KCB như trên là rất đáng kể khi người bệnh phải điều trị nội trú, điều trị dài ngày. Tuy nhiên, tác động mạnh nhất đến người bệnh chưa có thẻ BHYT phải là nhóm giá dịch vụ kỹ thuật và xét nghiệm dành cho các hạng bệnh viện bất kể người bệnh điều trị ngoại trú hay nội trú, điều trị ít ngày hay dài ngày.
Cũng theo Thông tư 02, điều khác nhau cơ bản giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT là bệnh nhân BHYT chỉ thanh toán viện phí từ 0% đến 20%, tùy theo từng đối tượng thụ hưởng (được Quỹ BHYT chi trả từ 80 - 100% chi phí KCB). Còn bệnh nhân khám dịch vụ sẽ phải chi trả 100% toàn bộ chi phí KCB. Như vậy, khoản tiền người KCB không có BHYT phải trả so với mức giá hiện hành sẽ là con số không hề nhỏ. Đặc biệt, những bệnh nhân cần sử dụng các dịch vụ kỹ thuật cao, chí phí lớn thì mức chi 100% không được thanh toán từ BHYT là vô cùng lớn, trong khi đó người tham gia BHYT 5 năm liên tục nếu trong năm tài chính số tiền cùng chi trả 20% lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (từ 1/7/2018 1.390.000đ x 6 = 8.340.000đ từ ngày 01/7/2018) thì không phải cùng chi trả nữa mà quỹ BHYT thanh toán 100%.
Việc điều chỉnh giá viện phí giữa người có BHYT và người không có BHYT ngang bằng nhau sẽ tạo sự công bằng hơn trong việc thực hiện chính sách chung khi giá dịch vụ y tế tương đương nhau. Theo số liệu thống kê của BHXH thị xã Ninh Hòa tính tháng 5 năm 2018 thị xã Ninh Hòa có 202.393 người tham gia BHYT, so với dân số 244.220 người đạt tỷ lệ 82,87%. Như vậy, vẫn còn gần 18% dân số (khoảng trên 43 ngàn người) chưa có BHYT. So với mặt bằng chung dân số tham gia BHYT của tỉnh Khánh Hòa 86,78% thì Ninh Hòa tỷ lệ bao phủ BHYT vẫn đạt thấp. Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thị xã giao năm 2018 tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 85%, các xã nông thôn mới tỷ lệ bao phủ phải đạt 85%, UBND thị xã giao chỉ tiêu bao phủ BHYT là 86,59%. Như vậy năm 2018 sẽ có hai tác động đến việc tham gia BHYT của người dân nếu tham gia BHYT sớm thì sẽ được hưởng quyền lợi về BHYT ngay từ ngày 1/6 và từ ngày 01/7 không bị điều chỉnh số thu BHYT theo mệnh giá thẻ mới do nhà nước tăng lương cơ sở, càng rõ hơn tầm quan trọng và ý nghĩa của việc người dân nên tham gia BHYT để bảo đảm quyền lợi của mình không bị thiệt thòi, đồng thời để bản thân và gia đình khỏi lâm vào hoàn cảnh khó khăn khi có người thân bị bệnh với chi phí lớn góp phần thực hiện thắng lợi chỉ tiêu bao phủ BHYT trên địa bàn thị xã./.
( Nguồn TT 02/2017/TT-BYT )