SỞ Y TẾ KHÁNH HÒA
BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NINH HÒA
---------
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ BỆNH VIÊM PHỔI
(Ban hành kèm theo QĐ số …. /QĐ-BVĐKKVNH ngày …. tháng …. năm 2017)
I. ĐẠI CƯƠNG
- Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng cấp tính đường hô hấp rất thường gặp ở trẻ em, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em trên thế giới.
- Bệnh hay xảy ra vào thời điểm giao mùa, thời tiết lạnh, không khí ẩm, là lúc các loại vi sinh vật gây bệnh phát triển mạnh: virus, vi khuẩn, nấm...
- Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ < 5 tuổi, trẻ càng nhỏ bị viêm phổi càng nặng.
II. CÁC TRIỆU CHỨNG GỢI Ý CHO BỐ MẸ LÀ TRẺ BỊ VIÊM PHỔI
- Sốt nhẹ đến sốt vừa (37,50C-38,50C), ho, sổ mũi, mệt mỏi, biếng ăn
- Các triệu chứng cảnh báo bệnh nặng: sốt cao(>38,50C), thở nhanh, thở mệt hơn bình thường (theo cảm nhận của bố mẹ), thở khò khè, bỏ ăn bỏ bú, kích thích quấy khóc, hôn mê, co giật...
- Khi có các triệu chứng cảnh báo bệnh nặng thì bố mẹ cần ngay lập tức đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị kịp thời
- Đặc biệt ở trẻ nhỏ < 2 tháng tuổi thì khi có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên cũng cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám ngay.
III. CẦN LÀM GÌ KHI TRẺ BỊ VIÊM PHỔI
- Đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ:
+ Trẻ nhỏ cần duy trì bú mẹ, trẻ lớn cần duy trì dinh dưỡng trong bữa ăn cho trẻ, trẻ có thể mệt mỏi, biếng ăn, bỏ ăn, do đó cần chia nhỏ bữa ăn, giảm số lượng thức ăn trong một bữa ăn và tăng số bữa ăn trong ngày, thức ăn có thể nấu lỏng và mềm hơn bình thường
+ Cần bổ sung thêm các loại thực phẩm giàu vitamin C (nước cam, quýt...) để tăng sức đề kháng cho trẻ, tránh các loại thực phẩm chế biến sẵn, các loại thức ăn mua ngoài.
- Hạ sốt
+ Dùng nhiệt kế để đo nhiệt độ cho trẻ, có thể đo nhiệt độ ở miệng, nách hoặc hậu môn
+ Sử dụng thuốc hạ sốt an toàn (paracetamol liều 10-15mg/kg/lần cách 6 tiếng, tối đa 5 lần/ngày) khi trẻ sốt trên 38,50C,
+ Mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, tránh ủ ấm quá mức khiến nhiệt độ càng tăng cao có thể gây co giật
+ Nếu trẻ sốt cao có thể kết hợp lau mát bằng nước ấm trong khoảng 15-20 phút/lần cách 1 tiếng.
- Ho: là phản xạ tốt của cơ thể để phản ứng lại với tác nhân gây bệnh nhằm đẩy chúng ra khỏi đường hô hấp. Vì vậy, thay vì tìm cách để trẻ hết ho, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để tìm ra nguyên nhân gây ho và điều trị kịp thời. Ngoài ra, cũng có thể sử dụng một số thuốc ho an toàn cho trẻ như siro ho astex, hoặc thuốc ho dân gian như rau tần lá dày, nước rau hẹ, chanh non chưng đường phèn...
- Cung cấp đủ nước
+ Trẻ viêm phổi thường kèm theo sốt và thở nhanh, cộng thêm tình trạng biếng ăn khiến trẻ mất nước, vì vậy cần cung cấp đủ nước để giúp trẻ giảm sốt nhanh, tăng hiệu quả của thuốc hạ sốt và tránh mất nước gây nguy hiểm cho trẻ, kể cả ở trẻ bú mẹ hoàn toàn thì vẫn có thể bổ sung thêm nước cho trẻ nếu cần thiết
+ Để theo dõi trẻ có nhận đủ nước hay không bố mẹ có thể theo dõi thông qua số lượng và màu sắc nước tiểu của trẻ, nếu trẻ tiểu ít đi, nước tiểu sẫm màu tức là trẻ đang thiếu nước và cần được bổ sung ngay, có thể là nước đun sôi để nguội, nước sữa, nước trái cây, nước canh... đều được, nhưng tốt nhất là nước oresol mà bố mẹ có thể tìm mua ở tất cả các hiệu thuốc tây.
- Tạm thời hạn chế cho trẻ: tiếp xúc với các trẻ khác hoặc với người lớn có biểu hiện bệnh để tránh lây bệnh cho trẻ khác hoặc bị trẻ khác lây bệnh vì đây là giai đoạn sức đề kháng của trẻ đang suy giảm, rất dễ nhiễm bệnh, nếu trẻ phải nằm điều trị tại bệnh viện thì cũng hạn chế tiếp xúc giữa các trẻ với nhau.
- Không tự ý dùng thuốc cho trẻ: nhất là kháng sinh, tránh tình trạng kháng thuốc và bệnh trở nặng nếu không được điều trị đúng kịp thời, tốt nhất là nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi trẻ có biểu hiện bệnh.