SỞ Y TẾ KHÁNH HÒA
BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NINH HÒA
----------
CÁC DẤU HIỆU PHÁT HIỆN BĂNG HUYẾT SAU SINH
( Ban hành kèm theo Quyết định số:……/QĐ- BVNH ngày …tháng …năm 2017 )
Chảy máu : Có thể máu chảy qua cửa mình một cách ồ ạt làm thấm đẫm khăn vệ sinh và váy áo. Loại này dễ phát hiện, nhưng máu có thể chỉ ra ri rỉ ít một khiến bà mẹ thỉnh thoảng lại phải thay khăn vệ sinh . Loại máu này phát hiện khó hơn vì nhiều người còn cho rằng sau đẻ ai cũng ra máu nên không nghỉ đến bị băng huyết. Ngay trong y học, băng huyết cũng chỉ được đặt ra khi số lượng máu bị mất trong cuộc đẻ từ 300-500 mililít. Cũng có khi máu chảy nhiều nhưng không ra ngoài mà đọng lại trong tử cung đến một lúc nào đó (thường là khi bà mẹ cử động, trở mình hoặc ngồi lên) mới thấy “ục” ra một khối lượng lớn máu cục đã đông lẫn máu loãng đồ tươi và lúc này bà mẹ có thể ngã xỉu tại chỗ. Đây là ioại chảy máu khó phát hiện nhất.
Dấu hiệu tại chỗ : Nếu sờ nắn trên bụng người bị băng huyết sẽ thấy tử cung co không tốt; cụ thể là sau đẻ, đáng lẽ tử cung phải co chặt thành một khối nắn thấy rắn như một quả bưởi ở bụng dưới thì lúc này nắn không thấy rõ khối co tử cung đó hoặc chỉ thấy một khối mềm nhão. Tử cung càng mềm nhão bao nhiêu, lượng máu mất đi càng nhiều bấy nhiều. Nếu thầy thuốc thăm khám, có thể còn tìm ra các vết rách do đẻ gây nên như rách âm đạo, rách có tử cung…
Dấu hiệu toàn thân : Do mất máu bà mẹ thấy mệt lịm đi, da lạnh, xanh xao, niêm mạc mắt, môi nhợt nhạt. Khát nước nhiều. Thường vã mồ hôi, thở nhanh. Nếu bắt mạch ở cổ tay sẽ thấy mạch yếu và đập nhanh lên (có thể hơn 100 lần một phút).
Do đó, sau đẻ nếu bà mẹ thấy:
– Mệt thỉu đi, da xanh tái, khát nước,
– Mạch nhanh, đập yếu di.
– Nắn bụng thấy tử cung không co chặt.
Trong trường hợp ấy, dù có thấy chảy máu hay không ở bên dưới cũng vẫn phải nghỉ đến băng huyết.