Không để dịch, bệnh bùng phát lây lan
Sáng 26/11/2020 (mùng 2 tết), Bs Nguyễn Tri Thức, Giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh thông tin về tình hình 2 bệnh nhân người Trung Quốc nhiễm chủng mới của vi rút Corona (nCoV) đang điều trị tại bệnh viện.
Theo đó, bệnh nhân 28 tuổi, người con của bệnh nhân đến từ thành phố Vũ Hán bệnh ổn định, ăn uống sinh hoạt đi lại bình thường. Bệnh nhân 66 tuổi, người cha, tối hôm qua không sốt; hiện 2 bệnh nhân đang chờ kết quả xét nghiệm lại.
Theo báo cáo, ngày 13/1/2020, người cha cùng vợ từ TP Vũ Hán, Trung Quốc đến Hà Nội bằng máy bay, sau đó di chuyển bằng máy bay đến Nha Trang. Cùng ngày 17/1, người con đang làm việc tại Long An đã ra Nha Trang ở cùng cha mẹ 4 ngày rồi cả gia đình di chuyển về TP Hồ Chí Minh bằng tàu lửa. Ngày 17/1 người cha phát sốt, ngày 20/1 người con phát sốt. Ngày 20/1 cả gia đình đi taxi về Long An. Ngày 22/1, hai cha con bệnh nhân khám bệnh tại bệnh viện huyện Bình Chánh TP Hồ Chí Minh, tư vấn chuyển đến bệnh viện Chợ Rẫy khám điều trị. Sáng ngày 22/1 hai bệnh nhân nhập viện Khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ nghi ngờ nhiễm vi rút Corona, ngay lập tức 2 bệnh nhân được chuyển cách ly nghiêm ngặt tại khoa bệnh Nhiệt đới và điều trị đúng theo phác đồ Bộ Y tế ban hành. Bệnh viện tiến hành lấy mẫu gửi viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, 6 giờ có kết quả khẳng định 2 cha con bệnh nhân nhiễm vi rút Corona. Riêng người vợ chưa có biểu hiện bệnh và đang được tiếp tục theo dõi.
Sau khi phát hiện vụ việc, Bộ Y tế đã chỉ đạo gửi các cửa khẩu, địa phương nơi bệnh nhân đi qua để tăng cường các biện pháp phòng chống. Thời điểm người bệnh từ Vũ Hán đến Hà Nội là thời gian ủ bệnh nên không lây nhiễm; tuy nhiên Bộ Y tế cảnh báo những hành khách đi cùng chuyến bay vẫn cần cách ly tại nhà. Ngày 24/1, Bộ Y tế đã ban hành Công văn chuyển UBND tỉnh có cửa khẩu đề nghị triển khai áp dụng tờ khai y tế đối với hành khách nhập cảnh đến từ Trung Quốc tại tất cả các cửa khẩu từ 0 giờ ngày 25/1/2020. Tại đây kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm hướng dẫn hành khách khai báo y tế và đóng dấu xác nhận theo quy định, đồng thời cấp phát tờ khai y tế cho hành khách khai báo y tế.
Ts Lê Tấn Phùng, phó giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, trên địa bàn chưa phát hiện trường hợp nào dương tính đối với vi rút Corona. Liên quan đến 2 cha con được phát hiện nhiễm bệnh tại bệnh viện Chợ Rẫy TP Hồ Chí Minh có thời gian lưu trú tại TP Nha Trang, Ts Phùng cho biết đã triển khai giám sát dịch tễ về vi rút Corona theo quy trình chuyên môn. Tại sân bay Quốc tế Cam Ranh, có 5 máy đo nhiệt từ xa được Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Khánh Hòa đang triển khai, kiểm tra thân nhiệt, kiểm soát tình trạng sức khỏe các hành khách xuất nhâp cảng hàng không quốc tế Cam Ranh. Trung tâm Kiểm dịch y tê quốc tế tỉnh phát tờ rơi, tư vấn cho du khách địa chỉ, số điện thoại y tế cần biết để kiểm tra, tư vấn nếu có những biểu hiện nghi vấn như sốt, ho, khó thở.
Trước những thông tin lan truyền trên mạng xã hội; Đà Nẵng, Nha Trang đã có khách du lịch Trung Quốc nhiễm vi rút Corona, bs Nguyễn Hoa Hội, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế tỉnh Khánh Hòa khẳng định đây là thông tin không chính xác. Bs Hội cho biết, cách đây vài ngày, một số du khách bị sốt đã được đưa đến bệnh viện Nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa để kiểm tra, qua xét nghiệm chỉ là sốt bình thường, không phải dịch bệnh viêm phổi lạ.
Để phòng chống nguy cơ nhiễm bệnh vi rút Corona,mọi người cần giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, xúc họng bằng nước sát khuẩn miệng trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy cũng như trước và sau khi tiếp xúc với cộng đồng cư dân đông đúc để dự phòng nhiễm bệnh. Nên có lọ sát khuẩn tay nhanh mang theo bên mình. Dù ngày tết cũng nên hạn chê tham dự những sự kiện quá đông người. Tất cả những người trở về từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc những nơi đang có cảnh báo của Trung Quốc vùng đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh đường hô hấp cấp tính do vi rút Corona trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
Mọi người nên luôn che miệng khi ho, hắt hơi bằng khăn vải để làm giảm phát tán dịch tiết đường hô hấp. Cần có khăn tay riêng cho mỗi người. Cần ăn uống vệ sinh an toàn thực phẩm, nấu chín kỹ, uống nhiều nước, tăng cường ăn trái cây cam, bưởi nhiều vitamin C, duy trì tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng.
Bất cứ ai có dấu hiệu sốt, nhiệt độ trên 38 độ C, ho, tức ngực, khó thở, đau nhức xương khớp..cần cách ly với người thân và bạn bè ngay (ở phòng riêng, không nên ra ngoài và tiếp xúc với mọi người). Cần đeo khẩu trang liên tục, uống nhiều nước, dùng thuốc giảm đau chống cúm (Tylenol, Dayguil..), tăng cường ăn uống để kiểm soát và chữa triệu chứng, báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn. Bất cứ ai, ở đâu khi phát hiện bệnh nhân nghi ngờ sốt, ho, khó thở, đau nhức xương khớp cần thông tin cho cơ quan y tế, cơ quan dự phòng để giám sát, xử lý, ứng phó, không để dịch bùng phát, lây lan. Hàng năm mỗi người nên tiêm vắc xin dự phòng nhiễm cúm./.