BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NINH HÒA TRUYỀN THÔNG GDSK
KHOA LIÊN CHUYÊN KHOA
CHĂM SÓC TRẺ MẮC BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP
Các biểu hiện của viêm đường hô hấp ở trẻ em rất nhiều và ở nhiều mức độ khác nhau. Thông thường trẻ bắt đầu với các triệu chứng ho, sốt, chảy mũi, nghẹt mũi, rồi sau đó thở nhanh, cánh mũi phập phồng, nặng hơn nữa là nhìn thấy lồng ngực bị rút lõm trong khi thở vào, thở rít, tím tái. Nếu không được xử trí kịp thời trẻ có thể hôn mê, co giật… hoặc thậm chí có thể tử vong cho trẻ. Vì vậy các bậc cha mẹ, phụ huynh cần chú ý những vấn đề sau:
1. Trước tiên, cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán và có liệu trình điều trị phù hợp nhất.
2. Không nên tự ý dùng thuốc khi chưa hỏi ý kiến của người thầy thuốc vì:
3. Dùng không đúng thuốc, bệnh không khỏi có thể bệnh trở nặng hơn. – Tiền mất tật mang
4. Dùng không đúng thuốc, đúng cách sẽ gây nên lờn thuốc – Nguy hiểm
5. Dùng không đúng thuốc mang thêm bệnh. – Tiêu chảy, phản ứng thuốc, sock thuốc…
6. Dùng thuốc phải theo hướng dẫn của người thầy thuốc :
“Đúng thuốc – Đúng liều lượng – Đúng thời gian.”
Ngoài việc dùng thuốc theo hướng dẫn của người thầy thuốc, các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý những việc sau:
7. Vấn đề vệ sinh mũi cho trẻ không chỉ giúp phòng bệnh mà còn giúp điều trị hiệu quả bệnh đường hô hấp, khi trẻ bị bệnh đường hô hấp, bao giờ biểu hiện cũng ở đường mũi đầu tiên. Khác với người lớn, khi trẻ bị khụt khịt hay ngạt mũi,trẻ không tự khạc hay xì mũi ra được mà cần phải được hút mũi để làm thông đường mũi. Trước khi hút thì các mẹ nên nhỏ mỗi bên 10 giọt muối sinh lý nồng độ 0.9% sau khoảng 3-5 phút sẽ dùng ống hút để hút mũi ra. (Có thể lặp lại nhiều lần). Ở trẻ lớn hơn, có thể bơm rửa mũi theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa. Điều này giúp đường hô hấp của trẻ không bị xay xát, mũi thông, dễ chịu và trẻ sẽ ăn và ngủ ngon hơn.
8. Chế độ dinh dưỡng là điều rất quan trọng đối với trẻ nhỏ và đặc biệt là với trẻ bị bệnh. Khi trẻ bệnh, do mệt mỏi nên trẻ thường chán ăn. Nếu cứ để tình trạng đó tiếp tục xảy ra thì bệnh sẽ nặng hơn. Vì vậy trong những ngày trẻ bị ốm, các mẹ nên tăng thêm bữa ăn cho trẻ, chất lượng thành phần dinh dưỡng cũng cần tăng lên. Với trẻ dưới 6 tháng tuổi, các bà mẹ vẫn cho trẻ bú mẹ hoàn toàn vì sữa mẹ có lượng kháng thể để tăng sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật rất tốt. Nhưng với trẻ ngoài 6 tháng tuổi thì các bà mẹ nên cho trẻ ăn thêm thức ăn bổ sung gồm 4 thành phần đạm (thịt, cá…), béo (dầu ăn…), rau củ quả và tinh bột (cơm, khoai…), Khi chế biến nên làm những loại thức ăn mềm, dễ tiêu để dễ hấp thu, ăn ít một trong nhiều lần, tăng dần số bữa để trẻ thích nghi và đáp ứng dần duy trì năng lượng tối thiểu cần thiết trong một ngày.
9. Ngoài ra, để phòng bệnh hiệu quả cho trẻ, các bậc cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, giữ môi trường sống sạch sẽ, thoáng khí,không khói thuốc lá… tập thói quen mang khẩu trang khi ra đường, thường xuyên kiểm tra vệ sinh hệ thống máy lạnh, máy quạt, không hướng trực tiếp hướng gió của hệ thống quạt, máy lạnh vào vùng mũi, mặt của trẻ…
10. Cần cho trẻ uống nhiều nước hoặc tăng cường cho trẻ bú. Đây là điều rất quan trọng vì trẻ mắc bệnh đương hô hấp cần được cung cấp nhiều nước để làm loãng đờm, dịu họng, giảm ho.
11. Riêng đối với vấn đề ho, các bậc cha mẹ cũng nên biết khi trẻ mắc bệnh đường hô hấp, ho chính là một phản xạ có lợi để tống đờm dãi ra ngoài, giúp đường thở được thông thoáng để trẻ có thể hít thở dễ dàng. Vì vậy không nên lạm dụng các loại thuốc ho để kìm hãm phản xạ có lợi này của trẻ nhất là khi hiện nay có nhiều loại thuốc ho có thể gây ngộ độc, tác dụng không mong muốn có hại ở trẻ em nếu dùng không đúng cách.
Trên thực tế, nếu dùng đúng loại kháng sinh thích hợp để trị bệnh đường hô hấp cũng sẽ giúp trẻ giảm ho nhanh chóng. Chỉ khi nào trẻ ho nhiều dẫn đến những hậu quả xấu cho trẻ như nôn ói, mất ngủ, đau tức ngực, đau rát họng… chúng ta có thể cho trẻ dùng các thuốc ho an toàn (nên hỏi ý kiến người thầy thuốc).
Các bậc cha mẹ cũng cần lưu ý theo dõi các cháu:
Xem cháu có thở khó khăn (thở nhanh hơn, mạnh hơn, thở co lõm lồng ngực)
Trẻ không bú được, không thể uống được nước, trẻ trở nên mệt hơn.
Nếu có những dấu hiệu trên, cần đưa trẻ vào cơ sở y tế để khám lại và có chế độ điều trị thích hợp hơn.