Mode:         
 
Tổ chức
Nghiên cứu khoa học
Tin tức
HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN  
Lượt truy cập  
Hôm nay 36649
Hôm qua 70981
Trong tuần 127834
Trong tháng 126388
Tất cả 1610793
Đề tài nghiên cứu khoa học 2015  

NGHIÊN CỨU CHI PHÍ TRỰC TIẾP

KHÁM CHỮA BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG TẠI KHOA NỘI

BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NINH HÒA, TỈNH KHÁNH HÒA

Bs.Trương Phước An

Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa

Tóm tắt

Chi phí bệnh đái tháo đường là gánh nặng cho gia đình và xã hội.Ở châu Mỹ La Tinh, các gia đình phải trả 40 – 60% chi phí chăm sóc y tế từ tiền túi riêng của họ, tại Mozambique, chăm sóc cho một người đái tháo đường khoảng 75% thu nhập bình quân đầu người, ở Mali 61%, Việt Nam 51% và Zambia là 21%. Chi phí cho điều trị bệnh đái tháo đường là một chi phí phức tạp, tổng hợp của nhiều yếu tố do nó phải gắn liền với giải quyết biến chứng của bệnh, đặc biệt là những người phải nằm viện thì thường chi phí điều trị các biến chứng chiếm tới 2/3 tổng chi phí điều trị. Vì vậy việc phân tích chi phí trực tiếp bệnh đái tháo đường là cần thiết làm cơ sở cho việc xây dựng giá trọn gói và đề xuất các giải pháp để làm giảm gánh nặng kinh tế của bệnh đái tháo đường cho mọi tầng lớp nhân dân.

Mục tiêu nghiên cứu

1- Xác định chi phí trực tiếp khám chữa bệnh đái tháo đường tại khoa nội bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa từ 01 tháng 01 năm 2014 đến 31 tháng 12 năm 2014.

2- Phân tích một số cơ cấu chi phí trực tiếp khám chữa bệnh đái tháo đường trên

Thiết kế nghiên cứu. Mô tả cắt ngang

Đối tương nghiên cứu. Tất cả bệnh nhân đái tháo đường điều trị tại khoa Nội

Phương pháp nghiên cứu. Tất cả các đối tượng được nghiên cứu hồ sơ bệnh án để tìm hiểu các thông tin chuyên môn. Nghiên cứu, phân tích các phiếu thanh toán chi phí điều trị của từng  bệnh nhân có và không có bảo hiểm y tế.

Kết quả. Chi phí trực tiếp trung bình của một bệnh nhân: 1.708.784 đồng/ đợt điều trị. Theo nhóm bệnh:  Đái tháo đường chưa có biến chứng 779.314 đồng; Đái tháo đường có biến chứng                              2.138.952 đồng.

Cơ cấu chi phí bao gồm: Chi phí thuốc chiếm: 29,5 - 43,5 %; Chi phí xét nghiệm chiếm: 21,8 - 43,6 %; Chi phí giường bệnh chiếm: 16,6 - 22,3 %; Chi phí CĐHA chiếm: 6,3 -   9,1 %; Chi phí dịch truyền: 2,9 -  4,0 %; Chi phí thủ thuật: 0,7 -  3,0 %; Chi phí cho vật tư y tế chiếm: 0,3 -  0,7 %.

Kết luận: Chi phí do bệnh đái tháo đường thực sự là một gánh nặng kinh tế cho người bệnh, đặc biệt là các bệnh nhân nghèo và cận nghèo, những bệnh nhân đã có nhiều biến chứng kèm theo. Cần có những giải pháp tốt giúp cho người bệnh sống chung với bệnh đái tháo đường với đủ khả năng chi trả và với một chất lượng sống hợp lý nhất.

NGHIÊN CỨU ẢNH HƯỞNG CỦA  BỆNH LÝ TIM MẠCH PHỐI HỢP

TRÊN BỆNH NHÂN BỆNH PHỔI TẮC NGHẼN MẠN TÍNH

                                                                                Bs. Trần Hoàng Thị Ái Châu
Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa

Tóm tắt

Mở đầu:

     Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh lý mạn tính của đường hô hấp khá phổ biến. Đợt cấp COPD và các bệnh lý đi kèm góp phần vào độ nặng của từng bệnh. Theo các chuyên gia, bệnh lý tim mạch đóng vai trò rất quan trọng ở bệnh nhân COPD, gây tử vong hơn 30% các trường hợp bị COPD. Đề tài Nghiên cứu ảnh hưởng của  các bệnh lý tim mạch phối hợp trên bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giúp đánh giá đúng mức tình trạng bệnh lý tim mạch ở bệnh nhân COPD trong nỗ lực nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu:

 Đối tượng nghiên cứu: Các bệnh nhân được chẩn đoán đợt cấp COPD theo tiêu chuẩn Anthonisen 1987điều trị tại  Bệnh viện Ninh hòa từ tháng 01/2014- 8/2014. Phương pháp nghiên cứu: hồi cứu mô tả

Kết quả:

Có 86 BN được chẩn đoán đợt cấp COPD theo tiêu chuẩn Anthonisen 1987điều trị tại  Bệnh viện Ninh hòa từ tháng 01/2014- 8/2014. Tuổi trung bình là 73,79± 10,06.  Nam giới chiếm tỷ lệ 95,3%.

      Có 64/86 BN COPD có các bệnh lý tim mạch phối hợp chiếm tỷ lệ 74,4%. Trong đó rối loạn nhịp tim gặp nhiều nhất có 56/86 BN (chiếm 65,1%), tăng huyết áp chiếm 42,2%, bệnh mạch vành chiếm 30,2%, suy tim chiếm 29,1 %. Bệnh van tim chiếm 24,4%.

   Bệnh nhân COPD có bệnh lý tim mạch phối hợp làm tăng  mức độ nặng của bệnh, tăng số lần nhập viện trong năm, tăng tỷ lệ

BN phải thở máy áp lực dương, tăng thời gian điều trị và có kết quả xấu hơn nhóm không có bệnh tim mạch phối hợp. Sự khác biệt có ý nghĩa thống kê với p< 0,05.

Kết luận:

  Bệnh lý tim mạch  phối hợp ở bệnh nhân COPD chiếm tỷ lệ cao, làm tăng mức độ nặng của bệnh và gia tăng tỷ lệ tử vong. Cần chú ý việc tầm soát các bệnh lý tim mạch trên bệnh nhân COPD để có hướng điều trị phù hợp. 


NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH NHIỄM HELICOBACTER PYLORI TRÊN BỆNH NHÂN VIÊM LOÉT DẠ DÀY TÁ TRÀNG

Bs.Nguyễn Ngoc Sơn và cs

Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa

Tóm tắt:

            Qua nghiên cứu 232 bệnh nhân được chỉ định nội soi tiêu hóa trên và có chỉ định xét nghiệm CLO-test tại khoa Chẩn đoán hình ảnh trong thời gian từ tháng 3/2015 đến tháng 9/2015, nhằm xác định tỷ lệ bệnh nhân nhiễm Helicobacter pylori, chúng tôi rút ra kết luận sau:

            1/ Tỷ lệ bệnh nhân nhiễm H. Pylori là 40,1%.

2/ Tuổi trung bình nhóm bệnh nhân H. pylori dương tính thấp hơn nhóm bệnh nhân H. pylori âm tính. Nhóm tuổi có tỷ lệ dương tính cao nhất là 30-39 tuổi và 40-49 tuổi.

3/ Tỷ lệ H. pylori dương tính ở nữ giới cao hơn nam giới.

4/ Bệnh nhân loét dạ dày tá tràng có tỷ lệ H. pylori dương tính cao hơn bệnh nhân viêm dạ dày tá tràng.

5/ Không có sự liên quan giữa nhiễm H. Pylori với các yếu tố như thói quen uống rượu bia, hút thuốc lá, tiền sử viêm loét dạ dày tá tràng.


NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH VIÊM MÀNG NÃO NHIÊM TRÙNG ĐIỂU TRỊ TẠI BỆNH VIỆN ĐKKV NINH HÒA TRONG 4 NĂM (2010-2014 )

                                                                                                  Bs Đặng Quý Sơn

                      Bệnh viện ĐKKV Ninh Hòa


Tóm tắt:

Mở đầu:

Viêm màng não nhiễm trùng (viêm màng não mủ) là một trong những bệnh nhiễm trùng của hệ thần kinh trung ương, có khả năng gây tử vong. Khả năng sống còn của bệnh nhân đòi hỏi phải chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và điều trị sớm kháng sinh. Tỉ lệ tử vong của viêm màng não nhiễm  trùng trong khoảng từ 10 - 30%, và khoảng 1/3 số bệnh nhân sống có thể có di chứng thần kinh lâu dài như động kinh, não úng thủy, giảm thính lực, khiếm khuyết thần kinh cục bộ, giảm nhận thức…..

Nghiên cứu tình hình viêm màng não nhiễm trùng điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa  trong 4 năm 2010-2014 sẽ góp phần vào nỗ lực chẩn đoán nhanh chóng, chính xác và điều trị sớm cho bệnh nhân Viêm màng não.

Đối tương và phương pháp  nghiên cứu:

Đối tương nghiên cứu: Các bệnh nhân  được chẩn đoán viêm màng não nhiễm trùng điều trị tại Bệnh viện Ninh Hòa, từ tháng 1 năm 2010  tới tháng 12 năm 2014

Phương pháp nghiên cứu: Hồi cứu mô tả

Kết quả:

Có 55 bệnh nhân được chẩn đoán viêm màng não nhiễm trùng điều trị tại Bệnh viện Ninh Hòa, từ tháng 1 năm 2010  tới tháng 12 năm 2014. Tỷ lệ Nam/nữ = 1,6. lứa tuổi trên 15 tuổi chiếm tỷ lệ cao 47,3 %.

Triệu chứng lâm sàng: lý do vào viện của bệnh rất đa dạng trong đó sốt 69 %....  các dấu chứng lâm sàng được ghi nhận :

Sốt 92,7 %, đau đầu 70,9 %, nôn 52,7 %, về thực thể cổ gượng 78,1%, Kernig 60 %...

bệnh nhập viện trong  ngày đầu và ngày thứ 3 (36,4 %, 29,1 %).

Cận lâm sàng: Lượng BC máu trung bình 12.854/mm3, thấp nhất 3600/mm3, cao nhất 24000/mm3, lượng Protein trung bình 2,2 g/l , nhỏ nhất 0,2 g/l, cao nhất  10,0 g/l ( BT 20-45 mg %). Phản ứng  Pandy (+) 100%; Đường dịch não tuỷ giá trị nhỏ nhất 1,68 g/l, Giá trị lớn nhất 5,52 g.l và hầu hết < ½ đường máu cùng thời điểm.; Lượng tế bào trung bình dịch não tuỷ 840 tb/mm3 , cao nhất 19000/ mm3. Hầu hết tế bào đa nhân ưu thế ;

Điều trị: Tỷ lệ dùng kháng sinh cao nhất là Ceftriaxon chiếm 72,7 % kế đến là các kháng sinh khác như: Cefotaxim, Vancomycin, Chloramphenicol

tỷ lệ dùng Dexamethason chiếm 80 %, Mannitol chiếm 32,7% %...

Các yếu tố liên quan: Thời gian vào viện, nhóm tuổi…

Kết luận: Cần lưu ý tới thời gian vào viện của bệnh nhân, nhóm tuổi… để chẩn đoán nhanh chóng, và điều trị kịp thời nhằm giảm  các biến chứng, thời gian nằm viện và chi phí.


ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ TẮC MẠCH BẰNG THANG ĐIỂM CHA2DS2VASc Ở BỆNH NHÂN RUNG NHĨ KHÔNG DO BỆNH VAN TIM

Bs. Trần Thị Bảo Ngọc

Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa



TÓM TẮT

Mở đầu

Rung nhĩ là một loạn nhịp dai dẳng thường gặp nhất trong cộng đồng. Hai nguy cơ chính của rung nhĩ là  thuyên tắc mạch hệ thống và tử vong. Tỷ lệ đột quỵ và tử vong do mọi nguyên nhân của bệnh nhân rung nhĩ đều cao hơn so với bệnh nhân nhịp xoang. Việc phân tầng bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim thuộc nhóm nguy cơ nào bằng thang điểm CHA2DS2-VASc là cần thiết để có chiến lược điều trị nhằm hạn chế biến chứng.

Đối tượng và phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu: Gồm  các  bệnh nhân vào  nhập  viện  được chẩn  đoán  xác định rung nhĩ không do bệnh van tim tại khoa nội Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa từ 1/1/2015- 15/10/2015. Phương pháp nghiên cứu: mô tả cắt ngang có phân tích.

Kết quả

- Có 57 bệnh nhân được chẩn đoán rung nhĩ không do bệnh van tim điều trị tại khoa nội từ 1/1/2015- 15/10/2015. Tuổi thấp nhất trong nghiên cứu là 35, cao nhất 95, tuổi trung bình 73.3.

- Trong nhóm nghiên cứu điểm CHA2DS2- VASc trung bình 3.98, điểm cao nhất là 8, thấp nhất là 0. Điểm chiếm nhiều nhất là 5 (22.8%).

- Không có trường hợp nào được sử dụng kháng đông mặc dù nhóm bệnh nhân nguy cơ cao chiếm 87.7%, tỉ lệ sử dụng Aspirin khá cao (89.5%).

- Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ lâm sàng có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê giữa nhóm bệnh nhân có hay không có đột quỵ.

- Điểm CHA2DS2- VASc trung bình ở nhóm rung nhĩ có đột quỵ cao hơn nhóm không có đột quỵ.

Kết luận

- Bệnh nhân rung nhĩ nên được đánh giá các yếu tố nguy cơ tắc mạch bằng thang điểm CHA2DS2- VASc một cách thường qui. Từ đó có chiến lược điều trị dự phòng huyết khối ở bệnh nhân rung nhĩ không do bệnh van tim để phòng ngừa tắc mạch.


ĐÁNH GIÁ SỰ HÀI LÒNG CỦA NGƯỜI BỆNH NỘI TRÚ
THEO CÁC TIÊU CHÍ “HƯỚNG ĐẾN NGƯỜI BỆNH” TẠI BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NINH HÒA

ThS.Nguyễn Quang

Bệnh viện đa khoa khu vực Ninh Hòa



Tóm tắt

Hài lòng của người bệnh là điều kiện tiên quyết cho sự tồn tại và phát triển của một cơ sở y tế nói chung và bệnh viện nói riêng. Sự hài lòng của người bệnh là tài sản vô giá của bệnh viện, nó tỷ lệ thuận với sự  phát triển và tăng trưởng của bệnh viện. Chất lượng của bệnh viện là sự hài lòng của người bệnh và cán bộ viên chức đối với bệnh viện. Bệnh viện khi không làm hài lòng người bệnh  sẽ bị nghèo dần vì: mất người bệnh tiềm năng, uy tín suy giảm và khiếu kiện gia tăng.

Năm 2014, Sở Y tế Khánh Hòa đã đánh giá chất lượng bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế (gồm 83 tiêu chí). Kết quả bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa phần tiêu chí “Hướng đến người bệnh” đạt điểm trung bình 3,0/5 điểm. Để đánh giá sự hài lòng của người bệnh đối với thực trạng mà bệnh viện đã đạt được theo bộ tiêu chí này, từ đó có cơ sở  tiếp tục cải thiện các tiêu chí tiêu chí  chất lượng bệnh viện phần HĐNB, tăng sự hài lòng của người bệnh, chúng tôi tiến hành đề tài nghiên cứu: Đánh giá sự hài lòng của người bệnh nội trú theo các tiêu chí “Hướng đến người bệnh” tại bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa năm 2015.

Mục tiêu nghiên cứu

1. Đánh giá sự hài lòng của người bệnh điều trị nội trú theo các tiêu chí “Hướng đến người bệnh” tại bệnh viện Đa khoa khu vực Ninh Hòa  năm 2015.

2. Xác định một số yếu tố liên quan đến sự hài lòng của người bệnh điều trị nội trú theo các tiêu chí “Hướng đến người bệnh”. 

Thiết kế nghiên cứu: Mô tả cắt ngang

Đối tương nghiên cứu: 400 người bệnh điều trị nội trú tại các khoa trong bệnh viện ĐKKV Ninh Hòa, các điều kiện chọn như sau:Trên 18 tuổi;Có ngày điều trị nội trú ≥ 02 ngày và chuẩn bị ra viện; Được nhập viện từ khoa khám bệnh; Có đủ năng lực để trả lời các câu hỏi điều tra;Đồng ý tham gia nghiên cứu.

Kết luận:

            Nhóm tiêu chí (A1)Chỉ dẫn- tiếp đón- hướng dẫn người bệnh: có tỷ lệ hài lòng là 77,5%  và điểm hài lòng trung bình đạt 3,97; Nhóm tiêu chí (A3) về môi trường chăm sóc người bệnh: Đây là nhóm có tỷ lệ hài lòng của người bệnh cao nhất (81,5%) và điểm hài lòng trung bình đạt 4,1; Nhóm tiêu chí (A4) về quyền và lợi ích người bệnh: có tỷ lệ hài lòng là 78,8%  và điểm hài lòng trung bình đạt 4,0 điểm. Tỷ lệ hài lòng chung của người bệnh nội trú về các tiêu chí “ Hướng đến người bệnh” đạt 78,3% và đạt điểm hài lòng trung bình là 3,82 điểm. Kết quả nghiên cứu cho thấy có mối liên quan giữa sự hài lòng chung của người bệnh với các yếu tố như: nhóm tuổi, đối tượng KCB và số ngày nằm viện của người bệnh.








 





 
Các bệnh viện hợp tác  
 Danh mục ICD 9
 
Bệnh viện đa khoa tỉnh Khánh Hòa
 
Sở y tế Khánh Hoà
 
Bệnh viện Hòa Hảo
 
Bảo hiểm xã hội Việt Nam
 
Cục quản lý khám chữa bệnh
 
Tra cứu hồ sơ một cửa
 
Chuyển đổi số quốc gia
Cẩm nang chuyển đổi số quốc gia

Câu chuyện chuyển đổi số quốc gia

 
 
 
 


BỆNH VIỆN ĐA KHOA KHU VỰC NINH HOÀ
VIDEO CLIP